Theo ghi nhận của các tác giả trong tập sách Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, sáng ngày 22/4/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Bộ Chính trị bàn về tiền lương năm 1960. Chiều Người dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề xây dựng thủy điện ở Quảng Cư, Lang Tiết, Thác Bà. Cùng ngày, Báo Nhân Dân số 2226 đăng bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” với bút danh Hồ Chí Minh. Đây cũng là bài mà Người viết cho tạp chí Các vấn đề Phương Đông (Liên Xô) nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của V.I. Lênin.
Trong bài viết, Bác nêu quá trình hoạt động thực tiễn của mình, đó là: “Ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi làm thuê ở Pari, khi thì làm cho một cửa hàng phóng đại ảnh, khi thì vẽ “đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa” (do một xưởng của người Pháp làm ra!). Hồi đó, tôi thường rải truyền đơn tố cáo tội ác bọn thực dân Pháp ở Việt Nam”.
Người cũng thừa nhận, lúc ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên, chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Và cũng khẳng định: “Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết”. Khi nói về việc tham gia Đảng Xã hội Pháp, Bác cho rằng, đó chẳng qua là vì các “ông bà” ấy - (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) - đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu. Hồi ấy, trong các chi bộ của Đảng Xã hội, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai. Tổ chức này được thành lập tháng 7/1889, tại Đại hội Liên minh quốc tế các đảng xã hội chủ nghĩa, họp tại Pari (Pháp). Quốc tế thứ hai đã có vai trò to lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác, tập hợp lực lượng của giai cấp công nhân, xây dựng mối liên hệ giữa các đảng công nhân, chuẩn bị cơ sở cho phong trào cách mạng phát triển rộng rãi ở nhiều nước. Sau khi Ph. Ăngghen mất (năm 1895), cơ quan lãnh đạo của Quốc tế thứ hai rơi vào tay các phần tử cơ hội và xét lại, tiêu biểu là Cauxky, Bécxtainơ. Họ phủ định hoặc đòi xét lại những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, công khai đứng về giai cấp tư sản ủng hộ cuộc chiến tranh đế quốc. Trên thực tế, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ (năm 1914), Quốc tế thứ hai đã bị tan rã. Năm 1919, các nhóm và đảng phái tả trong Quốc tế thứ hai đã gia nhập Quốc tế Cộng sản. Bác cũng nhắc đến tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi (tên gọi chính thức là Liên minh quốc tế các đảng xã hội chủ nghĩa) thuộc các đảng và các nhóm xã hội chủ nghĩa phái giữa đã ly khai Quốc tế thứ hai do sức ép của quần chúng cách mạng. Tổ chức này được thành lập vào tháng 2/1921 tại Hội nghị đại biểu ở Viên (Áo)… Tháng 5/1923, Quốc tế thứ hai và Quốc tế thứ hai rưỡi hợp thành Quốc tế công nhân xã hội chủ nghĩa. Người cũng giải thích việc tham gia Quốc tế thứ ba của Lênin và dự rất đều các cuộc họp một tuần hai hoặc ba lần, chăm chú nghe những người phát biểu ý kiến. Người nêu: “Lúc đầu, tôi không hiểu được hết. Tại sao người ta bàn cãi hăng như vậy? Với Quốc tế thứ hai, hoặc thứ hai rưỡi, hay là thứ ba, thì người ta cũng đều làm được cách mạng cả, sao lại phải cãi nhau?”…
Bác thuật lại: “Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp - là: Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, do V.I. Lênin soạn thảo và trình bày tại Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19/7/1920 đến ngày 7/8/1920. Trong bản Luận cương và trong báo cáo của tiểu ban về vấn đề dân tộc và thuộc địa trình bày tại Đại hội, V.I. Lênin đã đề cập tới những vấn đề hết sức quan trọng đối với vấn đề giải phóng dân tộc.
Luận cương của V.I. Lênin đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình Người tìm đường cứu nước. Qua việc nghiên cứu Luận cương, Người đã hoàn toàn tin theo V.I. Lênin và Quốc tế thứ ba. Người đã khẳng định con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản. Người cũng cho rằng, lý lẽ duy nhất đó là: “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì? Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ tôi mà thôi, tôi còn đến những chi bộ khác để bênh vực lập trường của tôi”.
Bác khẳng định, việc biểu quyết tán thành tham gia Quốc tế thứ ba. Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Cuối bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 7, trang 369, 370.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 12, trang 561, 562 và 563.
Nguồn: Báo Sóc Trăng