Với nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, thời gian qua, Huyện đoàn Châu Thành (Sóc Trăng) đã quan tâm triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm tạo môi trường, điều kiện, động lực giúp thanh niên ở vùng quê vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như 2 thanh niên Tô Thanh Nhựt (xã An Hiệp) và Nguyễn Thị Cẩm Nhung (xã An Ninh), huyện Châu Thành.
Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, anh Tô Thanh Nhựt, ngụ ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp luôn ấp ủ ước mơ sẽ làm điều gì đó để cải thiện cuộc sống của gia đình. Sau một thời gian công tác tại quê nhà, anh Nhựt quyết định chọn hướng đi cho bước đường khởi nghiệp của mình bằng ý tưởng làm mô hình dịch vụ cho thuê rạp cưới, bàn ghế tại địa phương.
Đang hàn và sửa chữa rạp cưới, anh Tô Thanh Nhựt cho biết: “Đồ đạc để đầy sân nhà, bởi hôm nay tụi em mới dọn rạp về và hàn lại những khung rạp bị hư hỏng, tân trang lại để chuẩn bị cho mùa lễ hội và mùa cưới sắp tới. Công việc của em lúc vào mùa ngày nào cũng tất bật cùng cộng sự: đi ráp liên tục, sáng dọn đồ, đếm bàn ghế, chén đũa lên xe rồi đi giao cho khách. Tùy theo khách hàng đặt, nếu cần trang trí thì tụi em cũng nhận làm luôn. Dù làm có cực nhưng cảm thấy vui và có thu nhập ổn định”.
Hàn, sửa chữa khung rạp, vác đồ lên xe đi ráp cho khách là việc làm thường xuyên của anh Tô Thanh Nhựt, ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng).
Ảnh: THẠCH PÍCH
Anh Tô Thanh Nhựt hình thành ý tưởng khởi nghiệp từ năm 2016, ban đầu xuất phát từ niềm đam mê kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên với số vốn còn ít, anh chỉ đầu tư có hơn 10 khung rạp, với vài chục bộ bàn ghế. Trong quá trình thực hiện ủy thác vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành, cán bộ Đoàn xã An Hiệp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của anh Nhựt nên hỗ trợ cho vay vốn phát triển mô hình dịch vụ cho thuê rạp cưới, với số tiền 50 triệu đồng, thời hạn vay 5 năm. Từ nguồn vốn này, đến nay, anh Tô Thanh Nhựt tiếp tục đầu tư quy mô hơn, với gần 40 bộ khung rạp cưới và gần 100 bộ bàn ghế.
Anh Thanh Nhựt phấn khởi cho biết: “Chỉ trong vòng hơn 1 năm, đến cuối năm 2021, em đã hoàn trả tất cả số vốn vay cho ngân hàng. Hiện em đã đầu tư mua được 1 chiếc xe tải nhỏ có tải trọng gần 1 tấn để thuận tiện trong việc vận chuyển đồ phục vụ khách hàng”.
Không chỉ làm dịch vụ cho thuê rạp cưới, anh Thanh Nhựt còn luôn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các đoàn viên, thanh niên trong bước đầu khởi nghiệp. Anh Tô Thanh Nhựt hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác xe dịch vụ thanh niên ấp Giồng Chùa A, với 6 thành viên tham gia. Tổ hợp tác bao gồm: xe tải loại nhỏ 3 chiếc và xe du lịch từ 5 - 7 chỗ 2 chiếc. Anh Thanh Nhựt chia sẻ: “Dịch vụ này, khi bà con đến thuê xe đi tham quan du lịch, hay đi đâu đó, với vai trò là tổ trưởng, mình báo giá cho khách trên nhóm zalo để các thành viên biết”.
Bí thư Đoàn xã An Hiệp Võ Ngọc Huỳnh cho biết: “Thời gian qua, Xã đoàn đã phát động phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên nhiệt tình hưởng ứng. Tính từ năm 2020 đến nay, Xã đoàn đã giới thiệu 21 thanh niên vay vốn khởi nghiệp với số tiền 645 triệu đồng, trong đó điển hình là mô hình cho thuê rạp cưới của anh Tô Thanh Nhựt, mô hình hoạt động có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình”.
Khởi nghiệp từ điều kiện sẵn có trong gia đình
Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung là thanh niên ở ấp Hòa Quới, xã An Ninh, huyện Châu Thành cũng từng trăn trở sau khi tốt nghiệp phổ thông không biết đi đâu, làm gì. Sau đó, Cẩm Nhung lựa chọn học nghề uốn tóc, làm móng. Qua 3 năm theo học nghề, đến năm 2017, Nhung trở về mở tiệm uốn tóc tại quê nhà. Chị Cẩm Nhung chia sẻ: “Lúc đầu ít khách biết nên cũng ế lắm. Sau tầm 1 năm mới có khách ổn định”.
Ngoài ra, Cẩm Nhung còn tham gia sinh hoạt các phong trào đoàn thể của địa phương. Từng làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, làm Tổ Y tế ấp, Bí thư Chi đoàn ấp, hiện nay Cẩm Nhung làm Trưởng Ban công tác Mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ ấp Hòa Quới. Với sự năng động, thấy phần diện tích đất sẵn có của gia đình, Cẩm Nhung bắt đầu tìm hiểu và bàn bạc với gia đình để khởi nghiệp bằng mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới. Biết nguyện vọng của thanh niên Nguyễn Thị Cẩm Nhung, đến tháng 7/2022, thông qua Đoàn xã An Ninh ủy thác vay vốn ưu đãi, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành hỗ trợ cho vay phát triển mô hình này, tổng số tiền 50 triệu đồng. Được số vốn này, Nhung bắt tay vào làm vèo, mỗi vèo có diện tích 10m2 và thả nuôi 5.000 con cá giống. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn cá lớn nhanh, sau 3 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,3kg trở lên, gia đình tuyển chọn thu hoạch được 2.000 con, với giá cá lóc thương phẩm dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trừ hết chi phí còn lời khoảng 8 triệu đồng. Số cá còn lại, chị tiếp tục nuôi để thu hoạch sau này.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, ấp Hòa Quới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tăng thêm thu nhập nhờ nuôi cá lóc trong vèo lưới.
Ảnh: THẠCH PÍCH
Chị Cẩm Nhung cho biết: “Vì lần đầu tiên thả nuôi, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, nên cứ lo thất thoát. Nhưng sau thời gian chăm sóc, thu hoạch có lời nên rất phấn khởi. Thấy mô hình này phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu tư cũng đơn giản, nguồn thức ăn có thể tận dụng từ những con cá nhỏ, lấy công làm lời. Hiện tận dụng ao đìa, gia đình cũng nuôi 1.000 con giống cá vồ”.
Đồng chí Trần Thị Phương Dung - Bí thư Đoàn xã An Ninh đánh giá: “Mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới của bạn Cẩm Nhung trong ao đìa đã tạo thêm công ăn việc làm, cho thu nhập tốt. Mô hình nuôi này không đòi hỏi vốn đầu tư cao nên nhiều thanh niên khác cũng có thể áp dụng để phát triển kinh tế gia đình”.
Thanh niên dám nghĩ, dám làm và được sự tiếp sức của tổ chức đoàn, đã tìm được "lối đi" trên con đường lập nghiệp. Từ đó cho thấy, khi đẩy mạnh phong trào đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp đã tạo động lực cho những thanh niên địa phương phấn đấu vươn lên, bám đất, bám nghề, tăng thu nhập cho gia đình.
Nguồn: baosoctrang.ogr.vn