Lần đầu lên Sơn La, cảm thương trước các em nhỏ tự kỷ không có thầy cô dạy dỗ, không có trường lớp để theo học, chị Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1987, quê Nghệ An) đã ở lại đây để mở trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ đầu tiên của thành phố. Tình yêu thương bền bỉ của chị đã khiến những đứa trẻ bắt đầu biết nói, biết sẻ chia.

 

Chị Hòa khiến cho bất cứ ai gặp gỡ cũng cảm thấy gần gũi bởi vẻ xinh đẹp và nụ cười tỏa nắng. Chia sẻ về cơ duyên với nghề giáo dục đặc biệt, chị kể: “Ngày xưa học ngành Công tác xã hội ở Đại học Sư phạm Vinh, mình may mắn được làm các chương trình hỗ trợ nhóm trẻ yếu thế, ví dụ như các em bé bị sang chấn tâm lý do biến cố trong cuộc sống hoặc các em bé bị bạo hành. Đến khi ra trường, lập gia đình và sinh em bé, mình thấy trong lớp con có những em bé không hòa nhập được với mọi người thì thấy rất thương. Về Nghệ An, mình có cơ duyên được vào làm trong một trung tâm dạy trẻ chuyên biệt.”

Sau 3 tháng kết hôn, chồng chị Hòa chuyển lên Sơn La làm việc. Năm 2016, chị cũng theo chồng lên đó. Ban đầu, anh muốn chị làm giảng viên ở trường học cho đỡ vất vả. Nhưng tình yêu với giáo dục đặc biệt, chị chưa dứt được nghề. Ở Sơn La, chị gặp các em bé tự kỷ nhưng khi ấy không có bất cứ ngôi trường nào dành cho các em. Trăn trở cho những khó khăn của cha mẹ vùng cao khi vừa phải lo kinh tế, vừa phải loay hoay với căn bệnh của con nên chị đã chọn ở lại dạy dỗ những đứa trẻ này.

Ban đầu, chị Hòa nhận nhận trẻ về nhà dạy và theo trò đến các trường mầm non để hỗ trợ hòa nhập cho các con. Đến cuối năm 2017, nhiều bạn nhỏ đã tiến bộ, phụ huynh truyền tai nhau nên số lượng học sinh càng đông. Chị quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm – cái tên mang ý nghĩa: Nghề nào cũng sẽ có những khó khăn, nghề giáo dục đặc biệt thì càng phải lấy cái tâm làm đầu, tâm của mình phải sáng thì mới giúp đỡ được các em. Chị lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời, để mình vững chãi đi với ngành.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm hiện có 60 học sinh, 20 giáo viên. Các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở TP. Sơn La và các huyện Thuận Châu, Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Mường La… mắc các chứng tự kỷ, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, tăng động, down, bại não, khiếm thính. Mỗi năm, chị Hòa đào tạo khoảng 100 lượt học sinh, đến nay gần 1000 em đã tiến bộ và hòa nhập được với cộng đồng.

Chị Hòa chia sẻ, đồ dùng học tập cho trẻ tự kỷ rất đặc thù, mỗi em nhỏ là một giáo án riêng và đồ dùng cũng rất riêng. Nhiều khi chị phải đặt những bộ công cụ tận bên Mỹ về để đánh giá cho trẻ. Chi phí học tập tốn kém, các gia đình vùng cao lại khó khăn về kinh tế, nhiều em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thương trò, chị Hòa lại bỏ tiền túi để hỗ trợ các học sinh. Một số em mồ côi, bệnh tật, chị sẽ miễn học phí hoặc chỉ thu vài trăm ngàn để phụ huynh có trách nhiệm với con. Nhiều bé có bố mẹ bận đi làm hoặc ông bà không có sức khỏe để chăm sóc thì chị giữ các bé ở lại ăn trưa.

Để quá trình can thiệp của con thành công thì phụ huynh phải vào cuộc một cách quyết liệt, chính phụ huynh cũng là những người trị liệu viên tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều người mẹ khó chấp nhận sự thật rằng con họ gặp vấn đề, nhiều gia đình chưa có nhận thức để đồng hành cùng con. Đó là vấn đề chung của rất nhiều trường hợp có con mắc chứng tử kỷ trên cả nước.

Sau khi chị Hòa có cơ hội tham mưu với Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sơn La, Sở đã quyết định cho ra đời một Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Sơn La. Chị hào hứng chia sẻ: “Mình mong trong thời gian sớm nhất trung tâm sẽ đi vào hoạt động. Nhiều người hỏi mình có sợ bị mất học sinh không, nhưng mình không sợ. Mình làm được gì tốt cho các con thì mình sẽ làm”. Dự kiến, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Sơn La sẽ chính thức được hoạt động trong năm 2024, cải tạo từ một trường học cũ.

“Hồi mới dứt áo lên Sơn La, mình bảo với mẹ là nếu mà khổ quá thì mẹ cho con quay lại về xuôi, nhưng khi ở đây, mình rất yêu mến mảnh đất này, hỗ trợ được các bạn nhỏ nên mình thấy mình đang sống rất ý nghĩa. May mắn là mẹ cũng luôn ủng hộ, mẹ mình bảo ở đâu cũng được nhưng phải để cho người ta biết Nguyễn Hòa là ai” - chị Hòa cười và xúc động nhớ lại.

Nguồn: vtv24viectute

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 45
Truy cập trong 7 ngày :154
Tổng lượt truy cập : 9,609