Để giúp trẻ biết chữ, nhiều lớp học tình thương được mở ra, người đứng lớp là những giáo viên nghỉ hưu. Nhiều thầy cô lặng lẽ gieo chữ tình thương hàng chục năm, góp phần giúp hàng ngàn em nhỏ tìm đến bến bờ tri thức.

 

Hơn 20 năm gieo chữ tình thương

Đến khóm 6 (phường 6, TP Cà Mau) hỏi lớp học tình thương của cô Lê Thị Thu Thiết (63 tuổi) hầu như ai cũng biết, bởi lớp học này đã tồn tại hơn 20 năm qua. Hằng ngày, trong căn phòng rộng khoảng 40m2, bàn ghế cũ kỹ, tiếng trẻ bi bô tập đánh vần, đọc chữ phát ra đã trở thành âm thanh quen thuộc với người dân xung quanh.

Ở đây có 2 lớp học, mỗi lớp có hơn 20 em. Lớp buổi sáng dành cho các em chưa biết chữ (lớp 1) thời gian học từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút. Buổi chiều là lớp ghép học sinh lớp 2, 3 và lớp 4, thời gian học từ 14 giờ đến 16 giờ.

Cô Lê Thị Thu Thiết cho biết, lớp học tình thương này do họ đạo thành lập. Khởi nguồn hình thành là do trong một lần đi tặng quà cho các gia đình khó khăn (cách đây hơn 20 năm), cha xứ thấy có nhiều em không được đến trường, không biết chữ, hằng ngày phải theo cha, mẹ mưu sinh nên rất thương. Khi về, cha mới quyết định mở lớp học tình thương và nhờ cô Thiết (người trong họ đạo), khi đó đang là giáo viên tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Cà Mau đứng lớp.

“Lúc đầu nhận dạy lớp tình thương chỉ là vâng lời cha, tuy nhiên, càng dạy tôi càng thấy thương hoàn cảnh khó khăn của các em, muốn gắn bó với lớp. Nhiều bạn trẻ thấy tôi dạy học một mình cũng muốn giúp đỡ, nhưng thường chỉ được vài tháng là nghỉ do không quen với môi trường học tập ở đây và một số lí do cá nhân khác”, cô Thiết chia sẻ.

Hơn 20 năm gắn bó, cô Thiết có rất nhiều kỷ niệm với lớp học này. Cô cho biết, trước đây khi phòng học chưa được nâng nền, do lớp nằm gần con sông nên vào mùa mưa hoặc khi có triều cường thường bị ngập, cả cô và trò phải dạy và học trong nước. Nhìn những học trò nhỏ của mình phải lội nước đến lớp, không dám để chân xuống dưới ghế trong giờ học mà cô thấy đau lòng.

Lê Tấn Lực năm nay đã 20 tuổi nhưng chỉ mới bắt đầu lớp 1 chia sẻ, đến lớp có cô, bạn rất vui. “Em rất biết ơn cô giáo vì đã cho con chữ. Bây giờ, em đã có thể viết được tên mình”, Lực nói. Em Nguyễn Hữu Hậu 13 tuổi cho biết, gia đình thuộc diện khó khăn, cha mẹ ở trọ lao động, rất sợ gia đình chuyển đi nơi khác không được tiếp tục học ở đây nữa, vì em rất quý cô, không muốn xa cô.

Chị Trần Ngọc Liên cho biết, mình có 2 đứa con học lớp học tình thương của cô Thiết, một đứa khi biết chữ đã được tạo điều kiện cho vào học chính thức ở trường, một đứa còn đang học. “Vợ chồng mình không biết chữ, cũng muốn cho con đi học đàng hoàng nhưng không đủ điều kiện. Thấy con học lớp học tình thương về khoe biết đọc, viết, mình rất mừng. Mình rất biết ơn cô Thiết đã nhiệt tình dạy chữ cho các con”, chị Liên nói.

Cô Thiết cho biết thêm, để trò học tốt, cô thường xuyên cập nhật kiến thức từ sách vở và học hỏi từ những người đang dạy về cách xây dựng nền nếp trong lớp, phương pháp dạy học sao cho gần với chương trình mới để các em khi có điều kiện đến trường học chính thức sẽ bắt kịp.

20 năm gieo chữ tình thương, cô Thiết cũng không nhớ mình đã giúp bao nhiêu học trò biết con chữ, bao nhiêu em được đến trường chính thức. Mỗi khi nghe tin có học trò của mình học ở trường được khen chăm ngoan, học giỏi là cô thấy phấn khởi, vui mừng.

Nguồn: vtv24viectute

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 36
Truy cập trong 7 ngày :160
Tổng lượt truy cập : 10,540