"Bỏ học về làm rẫy, hơn 18 tuổi thì lấy chồng, liệu có thay đổi được cuộc sống hay vẫn trong vòng luẩn quẩn nghèo khó?", Lầu Y Pay, 38 tuổi, nhớ lại và cho rằng quyết định trở lại trường đã giúp cuộc đời mình sang một trang mới.

 

Năm lên lớp 10, Pay bắt đầu nghĩ về nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi. Thấy nhiều em nhỏ trong bản đến tuổi đi học nhưng gia đình nghèo khó, đường sá xa xôi cách trở, bố mẹ quan niệm "học cũng chẳng để làm gì" nên làm lỡ mất cơ hội đến trường của các bé, Pay đặt quyết tâm thi vào ngành sư phạm.

Năm 2009, Pay tốt nghiệp Khoa giáo dục mầm non, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, và được phân về trường Mầm non Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn. Sau hai năm làm việc tại đây, Pay kết hôn với một thầy giáo dạy tiểu học ở huyện Quế Phong và chuyển công tác về trường Mầm non Tri Lễ - xã khó khăn nhất huyện, và bắt đầu một hành trình gieo chữ đầy trắc trở nhưng cũng vô cùng đáng nhớ.

Là xã biên giới thuộc huyện Quế Phong, giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), Tri Lễ có 16 bản với hơn 10.000 dân thuộc bốn dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái và Kinh. Các bản Mông ở lưng chừng đồi, đường nhỏ, dốc và hẹp. Điểm trường Huồi Mới nơi cô Pay công tác nếu di chuyển từ nhà ở quốc lộ 16 đến nơi phải mất cả buổi. Những lúc trời mưa đường sạt lở, bùn lầy lội thì đa phần đi không đến đích.

Mùa mưa, nước lũ chia cắt giao thông, con đường rộng hơn 4 m bên núi bị thu hẹp bởi đất đá sạt xuống. Giữa đường tạo thành những mương bùn, xe máy cứ chạy là ngã, giáo viên người lấm lem, phải đi bộ băng rừng trong 3-4 tiếng tới trường. "Nhiều hôm thời tiết xuống một độ C, tay chân tê cóng", cô Pay kể.

Nhưng cô Pay bảo khó khăn về đường sá không quan trọng bằng việc giúp trẻ tiếp cận con chữ, vì thế luôn động viên bản thân và đồng nghiệp vượt qua mọi trở ngại. Bản Huồi Mới, xã Tri Lễ chủ yếu là người Mông, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con tới trường. Nhiều gia đình thì "tùy hứng", cho con đi học rồi bắt nghỉ giữa chừng.

13 năm qua, cô Pay đã vận động được các gia đình người Mông cho gần 300 trẻ ở xã Tri Lễ đi học mầm non đúng độ tuổi. Ngoài ra, nữ giáo viên thường xuyên lên mạng liên lạc với các tổ chức từ hiện, nhà hảo tâm, đặt vấn đề kêu gọi hỗ trợ quần áo ấm, giày dép để học sinh đủ sức khỏe đến trường vào mùa đông.

Cô Pay chia sẻ, trẻ em Mông nhút nhát, nghe nói tiếng phổ thông rất hạn chế. Cũng là người Mông, nữ giáo viên thường sử dụng song song hai thứ tiếng để hỗ trợ học sinh tiếp thu một cách tốt nhất. Cô Pay luôn nhẹ nhàng, uốn nắn từng nét chữ cho học trò, nhiều em từ chỗ sống khép mình, giao tiếp kém, sau khi học lớp cô Pay đã hòa đồng với bạn bè. Một số trẻ khi đến tuổi lên lớp một nhưng cứ nằng nặc đòi bố mẹ tiếp tục cho ở lại mầm non, vì "muốn học với cô Pay".

13 năm công tác tại Huồi Mới, cô Pay đã đủ điều kiện để chuyển về các trường gần nhà hơn. Tuy nhiên nữ giáo viên 38 tuổi lo lắng cho giáo viên đến thay thế, sợ họ đi lại đường xa vất vả, mất thời gian thích nghi với địa bàn, nên nhiều lần đề đạt nguyện vọng với cấp trên xin ở lại với lý do "chịu khổ quen rồi".

Nguồn: vtv24viectute

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 30
Truy cập trong 7 ngày :204
Tổng lượt truy cập : 11,827