Trong những ngày nước ngập ở thôn Nam Hài xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội), có những người thức thông đêm, nhiều ngày không ngủ ở nhà, ăn tạm gói mỳ tôm qua bữa để túc trực, sẵn sàng ứng cứu dân vùng lụt.

 

Anh Bùi Ngọc Bình – Trưởng thôn Nam Hài cho biết, từ khi nước bắt đầu ngập, cả thôn đồng lòng, chung sức, hỗ trợ bà con vận chuyển đồ dùng thiết yếu trong nhà lên nơi cao. Đội xung kích của thôn, xã gồm 30 người cũng hết lòng hỗ trợ bà con.

Hơn 1 tuần nay, anh Bình và nhiều người không ngủ ở nhà mà luôn túc trực tại trụ sở xã, ứng cứu bất cứ lúc nào. “Bữa trưa, các anh em ăn tạm gói mỳ, uống tạm chai nước rồi lại tiếp tục công việc. Đội xung kích gồm 30 người thay nhau làm việc, vận chuyển mỳ tôm, nước uống giúp bà con.

Gia đình tôi cũng góp một đầu máy cày, nhờ các anh em có chuyên môn trong thôn tự chế, nối vào phần đuôi xe công nông, tạo thành chiếc xe chuyên dụng cho bà con trong thôn sử dụng.

Một vài người thay phiên nhau ra lái, chở những người dân có nhu cầu ra vào vùng ngập sâu”, anh Bình chia sẻ và cho biết, xăng xe cũng do gia đình anh bỏ chi phí.

Cứ 15 phút một chuyến, xe liên tục đón bà con từ điểm đầu ngõ vào thôn đến UBND xã cũ. Ai ở trong ngõ sâu phải chèo thuyền hoặc tự lội vào trong.

Hay nhà bà Nguyễn Thị Xuân có khoảng sân khá rộng ngay sát lối vào thôn Nam Hài. Những người dân ra vào thôn chỉ đi xe máy được đến khu vực gần nhà bà rồi gửi xe, chờ thuyền, xe chuyên dụng ra đón.

Mỗi ngày, hàng trăm chiếc xe để chật cứng sân nhà bà. Nhiều người đi làm ca về muộn tận 1h, vợ chồng bà vẫn ngồi chờ cho người ta gửi. Ông bà vừa nằm được một lúc, 4h lại có người gọi xin lấy xe.

Bà kể, có hôm mưa, chồng bà phải mặc áo mưa ra xếp xe cho gọn gàng vì nhiều người để không có hàng lối, xe trong khó lấy. Dù xe nào vào, bà cũng dặn không được khóa cổ nhưng nhiều người vẫn quên khiến việc di chuyển hết sức khó khăn.

Không chỉ anh Bình, bà Xuân mà còn rất nhiều người dân trong thôn luôn đồng lòng chung sức, giúp đỡ bà con vùng ngập lụt.

Lúc khó khăn, con người xích lại gần nhau hơn, hỗ trợ nhau nhiều hơn để thấy rằng, trong nguy khó luôn có tình làng nghĩa xóm.

Nguồn: vtv24viectute

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 28
Truy cập trong 7 ngày :202
Tổng lượt truy cập : 11,828