Sáng 17/02/2025, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

 

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm phát biểu ý kiến tại phiên họp

Tại Phiên họp, Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đồng thuận với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm cũng đã góp ý một số nội dung và kiến nghị Quốc hội quan tâm và có định hướng, giải pháp cụ thể đối với một số nội dung khác có liên quan dự thảo.

Về cơ chế tự chủ và tài chính cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập (Điều 4 của dự thảo), Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm cho rằng, vướng mắc chính hiện nay là cơ chế tự chủ tài chính chưa phù hợp với đặc thù của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, nhất là các đơn vị nghiên cứu cơ bản nghiên cứu chiến lược. Tự chủ tài chính còn bị hiểu nhầm là tự đảm bảo nguồn thu dẫn đến cắt giảm ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới nhân lực, khoa học và công nghệ. Cơ chế khoán chi chưa hiệu quả do rào cản hành chính và do lo ngại rủi ro khi nghiên cứu không đạt kết quả. Do đó, Đại biểu kiến nghị cần có các nội dung và định hướng về cách thức xác định tự chủ, mô hình giao quyền tự chủ, không nói đến các khái niệm tự chủ chung chung. Bên cạnh đó cần hoàn thiện cơ chế tự chủ, cải cách cơ chế khoán chi và tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN, nhất là nguồn nhân lực KH&CN trẻ, theo Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, việc xây dựng lực lượng nhân sự KH&CN trẻ, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo quốc gia không chỉ giải quyết rào cản nguồn lực, tận dụng tư duy đột phá, chống chảy máu chất xám mà còn góp phần đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái bền vững.

Đánh giá thực tế hiện nay ở 1 số địa phương, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đang thiếu và yếu, chưa tương xứng và ngang tầm nhiệm vụ, trong khi đó các nhiệm vụ cụ thể thể hiện trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính chất “cách mạng”, Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề xuất Quốc hội cần quan tâm Chính sách đãi ngộ đặc biệt như áp dụng cơ chế lương, thưởng và hỗ trợ đặc biệt cho các nhà khoa học đầu ngành tương đương khu vực; Triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm thu hút các chuyên gia đầu ngành quốc tế; Triển khai các Chính sách đặc biệt dành cho đội ngũ các nhà khoa học trẻ lĩnh vực KHCN, điển hình như: Hỗ trợ tài chính và cơ hội nghiên cứu, ưu tiên kinh phí nghiên cứu cho trí thức trẻ. Hỗ trợ tài chính khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trẻ, cung cấp vốn không hoàn lại hoặc vốn vay ưu đãi cho các dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của trí thức trẻ; Hỗ trợ chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ. Chính sách khuyến khích tham gia nghiên cứu và ứng dụng. Có cơ chế thử nghiệm linh hoạt cho phép các nhà khoa học trẻ thử nghiệm các ý tưởng, sản phẩm công nghệ mới trong môi trường kiểm soát rủi ro, với sự hỗ trợ từ các quỹ KH&CN và Có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

 

Quang cảnh Phiên họp

Ngoài những vấn đề liên quan đến thu hút và phát triển nguồn nhân lực KH&CN, nhất là nguồn nhân lực KH&CN trẻ, Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề xuất Quốc hội quan tâm đến việc xây dựng nền tảng đấu thầu điện tử chuyên biệt cho dự án KH-CN, CĐS vì các dự án này có tính rủi ro cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Cần thiết áp dụng cơ chế “1 cửa điện tử” trong phê duyệt đề tài cấp quốc gia. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 12/02/2025 và dự kiến bế mạc vào ngày 19/02/2025 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp xem xét 7 nội dung cấp thiết, bao gồm 3 luật và 4 dự thảo nghị quyết, gồm: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật liên quan đến hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ngoài ra, Quốc hội xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến việc thành lập một số bộ trong Chính phủ khóa XV, cơ cấu và số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, cũng như các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Quý Nguyên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 19
Truy cập trong 7 ngày :133
Tổng lượt truy cập : 15,382