I. Những vấn đề chung về Đội TNTP Hồ Chí Minh

1. Sự ra đời của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Ngay từ ngày mới thành lập Đảng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến lực lượng trẻ, đưa họ vào tổ chức cách mạng để kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng.

Ngày 26/3/1931 tại Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên và giao cho Đoàn phụ trách thiếu nhi. Sau đó vào ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Đội Nhi đồng cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đầu tiên ra đời và được coi là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Đội đã hoạt động theo Điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung “Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật để làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Ngày đầu tiên Đội thành lập có 5 đội viên đầu tiên là Nông Văn Dền mang bí danh là Kim Đồng, Nông Văn Thàn là Cao Sơn, Lý Văn Tịnh là Thanh Minh, Lý Thị Nì là Thanh Thủy và Lý Thị Xậu là Thủy Tiên. Kim Đồng được bầu làm đội trưởng.

Từ ngày ấy đến nay, theo sự nghiệp cách mạng của Đảng và do Đoàn phụ trách từng thời kỳ, Đội đã đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng. Lúc mới thành lập là Đội Nhi đồng cứu quốc, sau này gọi là Đội Thiếu nhi cứu quốc. Tháng 3/1951 được đổi tên là  Đội Thiếu nhi Tháng Tám, đến tháng 11/1956 đổi tên là Đội Thiếu niên Tiền phong và từ 19/3/1960 các em nhi đồng được tổ chức vào Đội Nhi đồng Tháng Tám. Tới 30/1/1970 thể theo nguyện vọng của thiếu nhi cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết trao cho Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu. Từ đó đến nay, Đội được mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

2. Đội TNTP Hồ Chí Minh - Tổ chức của thiếu nhi Việt Nam
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách.

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là trường học giáo dục thiếu nhi Việt Nam trong và ngoài nhà tr­ường, là đội dự bị của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; lực l­ượng nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi.

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đ­ược tổ chức và hoạt động trong nhà trư­ờng và ở địa bàn dân c­ư. Tổ chức Đội có Điều lệ và Nghi thức hoạt động độc lập; lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho đội viên, giúp đỡ thiếu nhi trong học tập, hoạt động, vui chơi, thực hiện quyền và bổn phận theo Công ­ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đoàn kết, hợp tác với các tổ chức, phong trào thiếu nhi ở khu vực và thế giới vì quyền lợi của trẻ em, vì hoà bình, hạnh phúc của các dân tộc.

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thành lập ngày 15/5/1941. Thiếu nhi Việt Nam từ 9 đến 15 tuổi đáp ứng các điều kiện theo Điều lệ Đội đều được xem xét kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Hiện nay, cả nước có 15 triệu đội viên, thiếu niên và nhi đồng; 30 nghìn phụ trách thiếu nhi. Đại diện cho tổ chức Đội là Hội đồng Đội các cấp do Ban Chấp hành cùng cấp lập ra giúp Đoàn trực tiếp phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh.

3. Mục tiêu của Đội TNTP Hồ Chí Minh

Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh đã xác định: “Đội TNTP Hồ Chí Minh lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho đội viên, giúp đỡ thiếu nhi trong học tập, hoạt động, vui chơi, thực hiện quyền và bổn phận theo Công ­ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

Mục tiêu của hoạt động Đội luôn bám sát mục tiêu giáo dục và đào tạo con nguời mới xã hội chủ nghĩa của Đảng. Mục tiêu hoạt động của Đội thống nhất với mục tiêu giáo dục của nhà trường phổ thông. Do đó tổ chức Đội cùng với nhà trường và các lực lượng giáo dục khác kết hợp với nhau để giáo dục thiếu nhi ở cả trường học, trên địa bàn dân cư, trong giờ học và ngoài giờ lên lớp. Mục tiêu của Đội vừa mang ý nghĩa giáo dục lí tưởng cách mạng, định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa, vừa mang tính thực tiễn. Tính lí tưởng thể hiện ở khẩu hiệu của Đội: “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa! Vì lý tưởng Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!”.

Khẩu hiệu Đội thường xuyên nhắc nhở đội viên về lí tưởng, mục tiêu cao quý của Đảng và Bác Hồ: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đem lại no ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Đội TNTP Hồ Chí Minh bằng hành động hàng ngày có trách nhiệm góp phần thực hiện lí tưởng của Đảng. Điều đặc biệt quan trọng là Đội TNTP Hồ Chí Minh có trách nhiệm góp phần giáo dục và đào tạo những thế hệ con người mới xã hội chủ nghĩa kế tiếp nhau xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

4. Nhiệm vụ của Đội TNTP Hồ Chí Minh

Nhiệm vụ thứ nhất là:  Các tập thể Đội và đội viên đều phải phấn đấu, rèn luyện thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng để trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, công dân tốt, đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ này được cụ thể hoá bằng việc mỗi đội viên phải nghiêm chỉnh thực hiện Điều lệ và Nghi thức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Chương trình rèn luyện đội viên.

Nhiệm vụ thứ hai là: Các tập thể Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm giúp đỡ đội viên phát triển mọi khả năng trong học tập, hoạt động, vui chơi... đây là nhiệm vụ thể hiện rõ tính quần chúng của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, đáp ứng các nhu cầu của đội viên trong quá trình phấn đấu, học tập của mình.

Nhiệm vụ thứ ba là: Các tập thể Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ chí Minh và đội viên phải thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em đã được nêu trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Khi các em thực hiện tốt các điều quy định trong Công ước và Luật nghĩa là các em đã từng bước trưởng thành trong quá trình phấn đấu của mình.

Nhiệm vụ thứ tư là: Các tập thể Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ chí Minh và đội viên phải thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhi đồng thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, bạn tốt và trở thành đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đây chính là trách nhiệm của Đội và đội viên với tổ chức của mình trong việc tạo điều kiện để Đội phát triển về số lượng, chất lượng đồng thời cũng thể hiện tình cảm và trách nhiệm trong quá trình chăm lo xây dựng lượng hậu bị của Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ thứ năm là: Các tập thể Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ chí Minh và đội viên phải thực hiện nhiệm vụ đoàn kết, hợp tác với các tổ chức, phong trào thiếu nhi khu vực và thế giới vì quyền lợi của trẻ em, vì hoà bình hạnh phúc của các dân tộc. Thực hiện nhiệm vụ này, chính là góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong quan hệ quốc tế hiện nay.

5. Tính chất của Đội TNTP Hồ Chí Minh

5.1. Tính chất quần chúng

Tính chất quần chúng của Đội thể hiện trước hết ở chỗ: Đội TNTP Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam, làm nòng cốt trong phong trào thiếu nhi. Đội được tổ chức và hoạt động trong nhà trường và ở địa bàn dân cư. Đây chính là tổ chức của bản thân các em, do các em làm chủ và tự quản. Đội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện”, và nguyên tắc “tự quản” dưới sự định hướng, hướng dẫn của phụ trách Đội.

Tính chất quần chúng của Đội còn được thể hiện trong việc kết nạp đội viên vào tổ chức Đội, đó là thiếu niên được kết nạp vào Đội TNTP Hồ Chí Minh, nếu có những điều kiện sau: Thừa nhận Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh; tự nguyện xin vào Đội TNTP Hồ Chí Minh và được quá nửa số đội viên trong chi đội đồng ý.
Tính quần chúng của Đội còn thể hiện rất rõ trong quan điểm của Đoàn: ở đâu có thiếu nhi thì ở đó có tổ chức Đội và hoạt động của Đội.

5.2. Tính chất cách mạng

Tính cách mạng của Đội thể hiện ở chính vị trí của Đội, vì Đội TNTP Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phụ trách. Tính chất này còn thể hiện ở tôn chỉ, mục đích và khẩu hiệu của Đội TNTP Hồ Chí Minh và nhiệm vụ của đội viên.
Hiện nay, tính chất cách mạng của Đội thể hiện ở chỗ: các tập thể Đội tham gia nhiệm vụ chính trị xã hội của đất nước, vì  mục tiêu của Đảng ta “Xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Đồng thời đội viên thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, công dân tốt. Vì vậy, mọi hoạt động của Đội đều phải định hướng theo tinh thần giáo dục cộng sản và hoạt động đó phải tuân thủ, thực hiện một cách thống nhất và nghiêm túc theo những nguyên tắc hoạt động Đội.

5.3. Tính chất giáo dục

Tính chất giáo dục của Đội thể hiện ở chỗ: các hoạt động của Đội đều là những quá trình có mục đích, có tổ chức và có sự hướng dẫn, định hướng của phụ trách Đội. Phương thức giáo dục đặc trưng của Đội TNTP Hồ Chí Minh là giáo dục thông qua các hoạt động Đội. Nội dung giáo dục toàn diện trên tất cả các mặt, như giáo dục đạo đức chính trị, tư tuởng, và lối sống; giáo dục ý thức tinh thần thái độ học tập; giáo dục lao động, kĩ thuật tổng hợp và hướng nghiệp; giáo dục thể chất, vệ sinh và bảo vệ môi trường; giáo dục thẩm mĩ, văn hoá nghệ thuật; giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc.

6. Vai trò của Đội TNTP Hồ Chí Minh

6.1. Đối với thiếu nhi: Đội TNTP Hồ Chí Minh là trường học giáo dục cộng sản chủ nghĩa của thiếu nhi và là nơi các em được giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện phấn đấu và trưởng thành. Đội là người đại diện quyền lợi cho trẻ em nói chung và cho thiếu niên và nhi đồng nói riêng.

6.2. Đối với nhà trường: Đội là người hỗ trợ tích cực, là cầu nối giữa nhà trường và xã hội và là chỗ dựa đáng tin cậy của giáo viên nhà trường, được sự hỗ trợ tích cực nhà trường cùng nhà trường thực hiện nội dung và mục đích giáo dục. Đội tổ chức triển khai mọi chủ trương của nhà trường động viên cổ vũ tất cả học sinh tham gia.

6.3. Đối với xã hội: Đội là một lực lượng đông đảo của xã hội, một lực lượng cách mạng tham gia tuyên truyền, cổ động các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, tham gia xây dựng và quản lí xã hội với những việc làm vừa sức. Để thực hiện vai trò này, Đội không chỉ hoạt động trong trường học, ngoài giờ lên lớp, mà còn tăng cường hoạt động Đội trên địa bàn dân cư.          
 6.4. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam: Đội là lực lượng dự bị trực tiếp, là nguồn bổ sung chủ yếu về số lượng và chất lượng cho Đoàn Thanh niên. Về thực chất, toàn bộ công tác Đội giúp các em rèn luyện, phấn đấu để chuẩn bị cho các em đội viên đủ điều kiện gia nhập Đoàn khi đã trưởng thành. Đó cũng là nhiệm vụ xây dựng Đoàn bằng con đường ngắn nhất và tốt nhất: xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bắt đầu từ xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh.

6.5. Đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Đội là lực lượng dự trữ chiến lược cho Đảng, là một trong những lực lượng tạo nên những mắt xích quan trọng trong hệ thống chính trị: Đội, Đoàn, Đảng. Đội cùng nhà trường thực hiện mục tiêu và nguyên lí giáo dục của Đảng. Để thực hiện tốt vai trò này, trong công tác xây dựng Đội và giáo dục thiếu nhi phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng.

II. Nguyên tắc, hệ thống tổ chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh

1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh

Đội TNTP Hồ Chí Minh có hai nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của tổ chức mình, đó là nguyên tắc tự nguyện và nguyên tắc tự quản có sự phụ trách của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

1.1. Nguyên tắc tự nguyện:

Nguyên tắc này thể hiện tính dân chủ của tổ chức Đội để đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi trước khi vào Đội và của đội viên cùng với các tập thể Đội trong việc tự nguyện tham gia tích cực vào các hoạt động của Đội. Từ đó sẽ tạo cho đội viên có trách nhiệm xây dựng tổ chức Đội, xây dựng tập thể, đồng thời đòi hỏi Đội phải mở rộng các hình thức hoạt động cho phù hợp với nguyện vọng của đội viên và thiếu nhi.

1.2. Nguyên tắc tự quản dưới sự hướng dẫn của phụ trách Đội:

Nguyên tắc này thể hiện sự hoạt động của các đội viên dưới sự hướng dẫn của phụ trách Đội, nghĩa là khẳng định tổ chức Đội gồm đội viên và phụ trách Đội. Nguyên tắc tự quản dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn được biểu hiện chủ yếu thông qua các hoạt động Đội. Đây là đặc trưng cơ bản nhất của tổ chức Đội với tư cách là một lực lượng giáo dục.

Sự phụ trách của Đoàn TNCS được thể hiện ở các mặt sau:

- Đề ra phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức Đội trong từng thời kì.

- Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Nghi thức Đội cho phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng, của Đoàn qua các nhiệm kì Đại hội.

- Củng cố, kiện toàn Hội đồng Đội các cấp để giúp đoàn phụ trách Đội.

- Cử cán bộ, đoàn viên có nhiệt tình, có năng lực phụ trách hướng dẫn hoạt động của các tổ chức Đội và cơ sở.

- Cung cấp kinh phí và các phương tiện hoạt động cho Đội
- Phối hợp với các lực lượng xã hội chăm lo cho hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi và bảo vệ các quyền lợi của đội viên, thiếu nhi theo các luật quy định.

Sự tự quản của Đội thể hiện:

- Mọi công việc của Đội do tập thể và các đội viên bàn bạc quyết định.

- Các quyết định của Đội đều được thực hiện khi quá nửa số đội viên đồng ý. Nguyên tắc tự quản của Đội là thể hiện khả năng làm chủ của đội viên. Đây là một nguyên tắc cơ bản để xây dựng Đội vững mạnh.

2. Hệ thống tổ chức của Đội TNTP Hồ Chí Minh

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức thống nhất trong cả nước. Cấp cơ sở của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được thành lập ở các trường học, ở địa bàn dân cư bao gồm: Chi đội và liên đội (Trong các chi đội có các phân đội). Trên cấp liên đội là Hội đồng Đội do Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp lập ra để giúp Đoàn phụ trách Đội. Hội đồng Đội các cấp vừa có tính chất đại diện cho tổ chức Đội, vừa có tính chất là người phụ trách Đội.

Hệ thống tổ chức của Hội đồng Đội gồm 4 cấp:  Cấp xã, Cấp huyện, Cấp tỉnh, Cấp Trung ương. Đoàn khối, Đoàn ngành cần phân công cán bộ phụ trách công tác thiếu nhi. Hội đồng Đội các cấp hoạt động theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn ban hành.

Đội viên không chỉ được sinh hoạt ở một chi đội mà còn được sinh hoạt ở các chi đội, liên đội tạm thời ở các Nhà thiếu nhi, trường Đội, các hoạt động tập thể của Đội từ địa phương đến Trung ương. Khi sinh hoạt ở các chi đội, liên đội tạm thời, các em đều thực hiện theo Điều lệ và Nghi thức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

2.1. Cấp cơ sở của Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh bao gồm:

- Liên đội: Liên đội là cấp cao nhất của tổ chức Đội ở cơ sở. Mỗi liên đội có từ 3 chi đội trở lên. Liên đội được thành lập trong trường học, trên địa bàn dân cư và thành lập các liên đội, chi đội tạm thời để tổ chức các hoạt động theo Điều lệ và Nghi thức Đội ở các trường Đội, Nhà thiếu nhi và các hoạt động tập thể của Đội. Cấp liên đội mỗi năm đại hội 1 lần vào đầu năm học (với các chi đội, liên đội trong nhà trường) và đầu kỳ nghỉ hè (với các chi đội, liên đội ở địa bàn dân cư­). Ban chỉ huy liên đội do đại hội bầu ra. Mỗi liên đội có 1 giáo viên tổng phụ trách là người thay mặt cho Đoàn Thanh niên trực tiếp phụ trách Đội.

- Chi đội: Chi đội là cấp cơ sở của Đội, mỗi chi đội có ít nhất từ 3 đội viên trở lên, chi đội có 9 đội viên trở lên có thể chia thành các phân đội. Chi đội được thành lập cả trong trường học, trên địa bàn dân cư và các chi đội tạm thời ở các trường Đội, nhà thiếu nhi và các hoạt động tập thể của Đội. Chi đội mỗi năm đại hội một lần, ban chỉ huy chi đội do đại hội bầu ra. Mỗi chi đội có một đoàn viên, cán bộ Đoàn được tổ chức Đoàn phân công trực tiếp phụ trách, hướng dẫn công tác Đội  cho chi đội gọi là phụ trách chi đội.

2.2. Sao Nhi đồng trong các trường Tiểu học

Nhi đồng bao gồm các em từ 6 đến 8 tuổi do chưa có ý thức đầy đủ và chưa đủ năng lực để tự quản lý một tổ chức cho nên cần tập hợp để tiến hành các hoạt động thường xuyên phù hợp với nhi đồng là Sao nhi đồng. Nhi đồng là lực lượng dự bị của Đội. Bởi vậy tổ chức Đội và đội viên có nhiệm vụ dìu dắt nhi đồng, giúp đỡ các em sinh hoạt Sao cho đến tuổi thiếu niên (9 tuổi) và có đủ điều kiện để kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, đây là trách nhiệm và vinh dự của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, là nhiệm vụ quan trọng mà Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tin cậy giao phó.

Mỗi liên đội, chi đội có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn hoạt động của nhi đồng theo Sao nhi đồng thuộc phạm vi trường mình, nơi ở của mình hoặc ở một trường kết nghĩa. Sao nhi đồng do Liên đội thành lập.

Mỗi Sao nhi đồng có ít nhất 5 em và cử ra một em làm trưởng Sao. Mỗi Sao có ít nhất một đội viên do chi đội cử ra làm phụ trách Sao. Hàng tuần phụ trách Sao hướng dẫn Sao cùng sinh hoạt, vui chơi tập thể ít nhất một lần. Hàng tháng hoặc vào những ngày lễ, các Sao trong cùng một lớp hoặc cùng một nơi ở cần được vui chơi, sinh hoạt chung do anh, chị phụ trách hoặc thầy, cô giáo trực tiếp hướng dẫn.

3. Hội đồng Đội các cấp

Hội đồng Đội TNTP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội đồng Đội) là đại diện cho tổ chức Đội, do Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp lập ra, giúp Đoàn phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh. Hệ thống tổ chức của Hội đồng Đội gồm 4 cấp: cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương.

Hội đồng Đội có những nhiệm vụ cơ bản sau:

- Giúp Ban Chấp hành Đoàn phụ trách công tác tổ chức và hoạt động Đội, phát triển phong trào thiếu nhi theo đường lối cuả Đảng.

- Nghiên cứu tham mưu với Ban Chấp hành Đoàn những chủ trương, nhiệm vụ giải pháp công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong từng thời kì.

- Xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đoàn các cấp về công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

- Tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ cho các Hội đồng Đội cấp dưới.

- Tổng kết, phổ biến, áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến, những điển hình về công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

- Thay mặt Ban Chấp hành Đoàn và tổ chức Đội phối hợp với các ngành các cấp chăm lo giáo dục thiếu nhi, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động Đội.

- Chỉ đạo các trung tâm hoạt động của thiếu nhi, như: Cung thiếu nhi, Nhà thiếu nhi, điểm vui chơi, câu lạc bộ, các cơ quan xuất bản, báo chí tuyên truyền của Đoàn phục vụ thiếu nhi.

III. Các phong trào, các cuộc vận động và các hoạt động lớn của Đội TNTP Hồ Chí Minh

1. Các phong trào lớn của Đội:

1.1. Công tác Trần Quốc Toản

- Phong trào này do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề x­ướng. Tháng 2/1948, xuất phát từ thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã viết th­ư cho thiếu nhi nhằm tổ chức ra Đội Trần Quốc Toản.

 - Phong trào Trần Quốc Toản đã phát huy truyền thống “T­ương thân tương ái”, “Uống n­ớc nhớ nguồn” của dân tộc. Phong trào tạo nên một tinh thần công tác mới thích hợp với lứa tuổi và điều kiện sinh hoạt của thiếu niên, nhi đồng, là niềm vui của tuổi thơ đ­ược góp phần thiết thực vào cuộc kháng chiến; giúp tổ chức Đội ngày càng trưởng thành hơn. Phong trào Trần Quốc Toản đã trở thành một nội dung công tác lâu dài của Đội, gắn bó mãi với lịch sử và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

 1.2. Phong trào Kế hoạch nhỏ

- Năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và thành phố Hải Phòng. Phong trào đã tập hợp các bạn thiếu nhi cùng tham gia làm kế hoạch nhỏ lấy tiền góp chung xây dựng “Nhà máy nhựa Tiền Phong” đặt tại Hải Phòng. Ngày 2/12/1958, Bác Tôn Đức Thắng đã viết thư­ hoan nghênh sáng kiến đó và cho phép mở rộng phong trào kế hoạch nhỏ trong thiếu nhi.
- Phong trào Kế hoạch nhỏ mang tính giáo dục cao, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, trong học tập và rèn luyện ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường trong thiếu nhi.

1.3. Phong trào Nghìn việc tốt.

- Năm 1961, phong trào hoạt động Đội đ­ược thiếu niên, nhi đồng thực hiện sâu rộng trên mọi mặt. Để kịp thời động viên, khích lệ, liên đội Tam Sơn, Tiên Sơn, Bắc Ninh có sáng kiến dấy lên phong trào “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.

- Phong trào Nghìn việc tốt nhằm tổng kết nâng cao cả về mặt lí luận và thực tiễn trong các em, đồng thời nhằm biểu dư­ơng các em đạt thành tích trong mọi mặt hoạt động.

1.4. Phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”

- Năm 2007, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội đồng Đội Trung ương phát động trong thiếu nhi cả nước cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” nhằm khơi dậy trong thiếu nhi niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc gắn với cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

- Năm 2015, tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII, Hội đồng Đội Trung ương đã phát động trong thiếu nhi cả nước phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”.

- Thông qua phong trào, các em có thêm nhiều điều kiện để thi đua học tập, tìm hiểu, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; nghiên cứu, tìm hiểu những tư liệu, những tác phẩm văn học, nghệ thuật và điện ảnh tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác để từ đó tạo ra niềm tin, sự đoàn kết thống nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lớp măng non đất nước trong thời kỳ mới.

1.4. Cuộc vận động “Giúp bạn đến trường”

- Năm 2008, nhằm phát huy vai trò tích cực của Đội TNTP Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng; tham gia khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, Hội đồng Đội Trung ương triển khai trong thiếu nhi cả nước cuộc vận động "Giúp bạn đến trường".

- Thông qua cuộc vận động nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, giúp bạn vượt khó vươn lên trong thiếu nhi; tinh thần tình nguyện vì đàn em thân yêu của đội ngũ cán bộ phụ trách Đội, thực hiện các công trình, phần việc đem lại hiệu quả thiết thực, qua đó bổ sung kiến thức, hỗ trợ nguồn lực vật chất và tinh thần giúp đỡ học sinh bỏ học trở lại trường.

2. Hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh

2.1. Hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống và hoạt động phục vụ học tập, văn hoá:

- Hoạt động giáo dục đạo đức, nếp sống: Nhằm giúp thiếu nhi nâng cao hiểu biết về truyền thống cách mạng của Đảng, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đội TNTP Hồ Chí Minh. Giáo dục các em về tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự lập, tự cường, truyền thống bất khuất, kiên cường và giàu lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam. Biết ơn những anh hùng, liệt sĩ, ông bà, cha mẹ, thầy cô.

- Hoạt động phục vụ học tập, văn hoá: Giúp thiếu nhi hiểu được mục đích, động cơ và có thái độ học tập đúng đắn, học có phương pháp, từ đó khích lệ tinh thần hứng thú say mê trong học tập; rèn luyện ý thức tổ chức kỉ luật trong học tập, biết đoàn kết giúp đỡ nhau vượt khó vươn lên để có được những phương pháp học tập tốt nhất. Từ những kiến thức đã được tiếp thu trên lớp, biết vận dụng và đưa vào cuộc sống. Nhờ đó, có thể củng cố được những kiến thức đã học, đồng thời mở rộng tầm hiểu biết đối với thế giới xung quanh.

2.2. Hoạt động vui chơi giải trí và phát triển; hoạt động lao động và sáng tạo:

- Hoạt động vui chơi giải trí và phát triển: Các hoạt động này được coi là phương tiện giáo dục thiếu nhi nhanh nhất, dễ tiếp thu nhất và đạt hiệu quả cao nhất; có ý nghĩa giáo dục to lớn, làm cân bằng trạng thái tâm lí tinh thần cho thiếu nhi sau những giờ học căng thẳng. Hoạt động vui chơi, giải trí góp phần rèn luyện ý thức tổ chức, kỉ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương bạn bè; giúp các em rèn luyện thể chất, có sức khoẻ, óc thẩm mĩ, có nếp sống lành mạnh, biết giao tiếp ứng xử trong xã hội.

- Hoạt động lao động - sáng tạo: Nhằm hướng dẫn thiếu nhi làm quen với lao động, biết yêu lao động, yêu quý và tôn trọng thành quả lao động. Giúp các em có khả năng tự phục vụ cho bản thân và gia đình; gắn bó với đời sống xã hội, với quê hương đất nước, góp phần làm đẹp thêm quê hương. Là dịp để các em vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống theo phương châm “Học đi đôi với hành”, từ đó hình thành được ý thức, thái độ và tác phong của người lao động mới, lao động tự giác có kỉ luật, sáng tạo và đạt năng suất ngày càng cao.

2.3. Hoạt động xã hội; hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế

- Hoạt động xã hội: Nhằm xây dựng tình cảm tốt đẹp cho thiếu nhi, nâng cao ý thức trách nhiệm của lớp măng non đất nước trong thời kỳ mới, hình thành và phát triển cho các em đức hy sinh, lòng nhân ái, vị tha, kích thích tính tích cực, chủ động của thiếu nhi góp phần vào việc xây dựng cộng đồng. Khơi dậy trong các em niềm tự hào, tính tích cực xã hội và mong muốn kế tục một cách xứng đáng với truyền thống cần cù, hiếu học của các thế hệ cha ông.

- Hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế: Nhằm giúp đáp ứng nhu cầu giao tiếp, kết bạn, tìm hiểu bạn bè, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Giúp các em hiểu biết về bạn bè thiếu nhi quốc tế, tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của các bạn thiếu nhi thế giới, nhất là thiếu nhi trong khu vực. Tăng cường tình đoàn kết, hợp tác ngày một tốt hơn của thiếu nhi Việt Nam với thiếu nhi thế giới. Hình thành bản lĩnh hội nhập, kĩ năng hội nhập quốc tế trong tình hình xu thế hội nhập toàn cầu.

Truy cập hôm nay : 88
Truy cập trong 7 ngày :385
Tổng lượt truy cập : 12,867